Người Việt được lưu danh trên bức tường danh dự của Viện Ung thư Anderson
Theo Báo Khánh Hòa online
Phan Minh Liêm năm nay mới 32 tuổi nhưng đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến căn bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm và các bệnh khác. Thành tích của anh đã được Viện Ung thư MD Anderson, viện ung thư hàng đầu của Mỹ, lưu danh trên bức tường danh dự của Viện này…
1. Từ Mỹ, Phan Minh Liêm gọi về trò chuyện, anh bảo thật tiếc khi Tết này không được về Nha Trang ăn Tết vì vướng nhiều kế hoạch. Cách xa nửa vòng trái đất nhưng câu chuyện của chúng tôi cứ liền mạch và bất ngờ khi chợt nhận ra Tiến sĩ Phan Minh Liêm - người Việt Nam được ghi danh trên bức tường của Viện Ung thư MD Anderson nổi tiếng của Mỹ bây giờ, lại là cậu bé Liêm 15 năm trước tôi đã từng gặp và viết bài. Lúc đó, Liêm mới học lớp 11, là một trong số những học sinh xuất sắc vừa du học Pháp trở về. Từng “rinh” nhiều giải thưởng quốc gia môn tiếng Pháp về cho Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang), thậm chí được học bổng du học Pháp năm lớp 10, nhưng Liêm lại quyết định rẽ sang một hướng đi khác không liên quan gì đến tiếng Pháp.
Ngã rẽ ấy là khi Liêm quyết định thi vào chuyên ngành Công nghệ sinh học ứng dụng vào y học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 2005, khi mới học năm thứ 3 đại học, Liêm nhận được học bổng học thẳng tiến sĩ (bỏ qua thạc sĩ), tại Trường Đại học Texas, Trung tâm Ung thư MD Anderson tại Mỹ do Quỹ Giáo dục Việt Nam - VEF (Quốc hội Mỹ) cấp. Từ tiếng Pháp chuyển sang học tiếng Anh đã khó, mà tiếng Anh phải siêu đẳng lắm mới giành được học bổng toàn phần. Hỏi sao hay vậy, Liêm cười: “Hồi đó, sang Pháp học lớp 10, dù các môn khác, em ở trong tốp đầu của lớp, riêng môn tiếng Anh do không được học ở Việt Nam từ nhỏ nên điểm môn này rất thấp. Mấy bạn Pháp trong lớp thấy vậy bèn thách đố. Thế là em gọi điện về nhờ cha em gửi qua mấy cuốn sách tự học Anh văn. Ngoài ra, ở trường cũng cử các giáo viên rất tâm huyết để dạy phụ đạo thêm cho tụi em. Em cứ cố gắng chăm chỉ học như vậy, vài tháng sau thì em theo kịp các bạn trong lớp, xếp thứ nhì về điểm số. Trong các năm học đại học, em cũng luôn chú trọng cải thiện tiếng Anh chuyên ngành. Chắc nhờ vậy mà vốn liếng tiếng Anh ngày càng nhiều, chị ạ!”.
Cũng vì tính tự ái ấy mà Liêm làm được khối chuyện lớn. Khi mới bước chân vào giảng đường của Trường Đại học Texas, hai tiến sĩ người Nhật học cùng lớp thấy Liêm nhỏ tuổi quá, hỏi Liêm từ đâu đến, trình độ thế nào, nghe trả lời là người Việt Nam, mới học xong đại học, hai anh chàng này nguýt dài: “Thế thì cậu nên về nước nghiên cứu được nhiều công trình nổi tiếng rồi hãy qua đây học”. Liêm không nói gì nhưng cậu biết mình phải làm gì để chứng minh cho họ thấy vì sao mình được bước chân vào ngôi trường này, vào Trung tâm Ung thư nổi tiếng - nơi mà mỗi năm chỉ nhận 80 người, đa số là tiến sĩ chuyên ngành của các nước trên thế giới…
2. Và điều Liêm - một du học sinh trẻ tuổi nhất khóa làm các bạn cùng lớp tại Đại học Texas phải nể phục là năm nào anh cũng dẫn đầu lớp về điểm số. Không chỉ thế, anh còn là một người đam mê nghiên cứu khoa học. Liêm kể, được học tập trong một môi trường nghiên cứu về ung thư hiện đại bậc nhất của Mỹ, được làm việc với các cộng sự giỏi, và trên hết là mong muốn giúp đỡ bệnh nhân ung thư, là những động lực giúp anh vượt qua mọi trở ngại, dành hết tâm huyết cho việc học và nghiên cứu của mình. Tính đến nay, anh đã có 18 công trình nghiên cứu xuất bản cùng với các cộng sự trên các tạp chí khoa học quốc tế về công nghệ sinh học và ung thư, như tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (Proceedings of The National Academy of Sciences), tạp chí của Viện Ung thư quốc gia Mỹ (Journal of National Cancer Institute)... Ít ai biết, lý do mà Liêm quyết định đi theo con đường này bắt nguồn từ một câu chuyện hồi còn nhỏ, khi anh chứng kiến một người thân chết vì ung thư. Lúc ấy, Liêm đã có ước mơ sau này trở thành bác sĩ, tìm ra phương thuốc chữa trị ung thư - căn bệnh mà nhiều người cho rằng dính vào nó là “trời kêu ai nấy dạ”.
Và rồi, từ những công trình nghiên cứu ấy, Liêm và các cộng sự của mình đã phát hiện một gien có khả năng ức chế hữu hiệu quá trình tạo năng lượng của khối u. Khi gien này được kích hoạt, các tế bào ung thư nhanh chóng bị tiêu diệt, hoặc ngừng tăng trưởng, cũng như mất khả năng di căn. Liêm chia sẻ, khi bị ung thư, người bệnh thường được xạ trị, hóa trị, phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, xạ trị và hóa trị có thể diệt tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác. Vì vậy, anh hy vọng nghiên cứu này sẽ góp phần giúp phát triển các liệu pháp mới tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả, chính xác mà không gây hại đến các tế bào bình thường khác.
Hiện Tiến sĩ Liêm tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để góp phần cùng với khoa học hiện đại bào chế ra những phương thuốc chữa ung thư mới. “Quá trình đó có thể kéo dài 10 hoặc 15 năm nữa, nhưng mình tin rồi đây các bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội được cứu chữa kịp thời, không còn phải chịu nhiều đau đớn…” - Liêm chia sẻ.
Post a Comment